News

CHẬM MỌC RĂNG Ở TRẺ

· Dr.Duong Huyen

Giới thiệu

dr.duonghuyen

Răng sữa là răng mọc đầu tiên ở trẻ, giúp trẻ ăn nhai, phát âm trong những năm đầu đời sau đó sẽ được thay thế dần bằng răng vĩnh viễn. Chậm mọc răng sữa có thể dẫn đến ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên mỗi trẻ có các mốc phát triển khác nhau và thời điểm mọc răng cũng khác nhau. Vậy khi nào được coi là chậm mọc răng và cần phải thăm khám bác sĩ? Cha mẹ hãy cùng đọc bài viết dưới đây.

Phụ lục

  1. Quá trình mọc răng sữa bình thường của trẻ.
  2. Thế nào là chậm mọc răng?
  3. Nguyên nhân gây ra chậm mọc răng là gì?
  4. Chậm mọc răng gây ra hậu quả gì?
  5. Chế độ ăn cho trẻ.

1. Quá trình mọc răng sữa bình thường của trẻ.

Thông thường trẻ bắt đầu mọc răng từ 6 - 12 tháng tuổi và hoàn thành bộ răng sữa gồm 20 chiếc lúc 2 tuổi rưỡi - 3 tuổi. Có trẻ sinh ra đã có răng sữa đầu tiên, điều đó hoàn toàn bình thường.

Hai răng cửa giữa hàm dưới thường mọc đầu tiên và đồng thời. Bé gái thường mọc răng sớm hơn bé trai.

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, các mốc thời điểm mọc răng:

Răng Hàm trên Hàm dưới
Răng cửa giữa 8 - 12 tháng tuổi 6 - 10 tháng tuổi
Răng cửa bên 9 - 13 tháng tuổi 10 - 16 tháng tuổi
Răng nanh 16 - 22 tháng tuổi 17 - 23 tháng tuổi
Răng tiền hàm 13 - 19 tháng tuổi 14 - 18 tháng tuổi
Răng hàm 25 - 33 tháng tuổi 23 - 31 tháng tuổi

Thứ tự mọc răng sẽ là: răng cửa giữa hàm dưới -> răng cửa giữa hàm trên -> răng cửa bên hàm trên -> răng cửa bên hàm dưới -> răng tiền hàm hàm trên -> răng tiền hàm hàm dưới -> răng nanh hàm trên -> răng nanh hàm dưới -> răng hàm hàm dưới -> răng hàm hàm trên.

2. Thế nào là chậm mọc răng?

Chậm mọc răng là khi trẻ được 13 tháng tuổi mà chưa mọc chiếc răng sữa đầu tiên hoặc chưa mọc hết những chiếc răng sữa còn lại khi trẻ được 4 tuổi.

Lúc này cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị.

3. Nguyên nhân gây ra chậm mọc răng là gì?

  • Sinh non hoặc sinh nhẹ cân
  • Suy dinh dưỡng, đặc biệt thiếu hụt canxi và vitamin D
  • Viêm nhiễm vùng miệng, viêm nướu
  • Rối loạn nội tiết: suy tuyến yên, suy tuyến giáp, suy tuyến cận giáp
  • Các rối loạn phát triển: loạn dưỡng xương sọ, loạn sản ngoại bì, loạn sản răng vùng,…
  • Bệnh xơ hóa
  • Mắc hội chứng Down, hội chứng Apert,…
  • Do di truyền

4. Chậm mọc răng gây ra hậu quả gì?

Ở hầu hết các trẻ, mọc răng chậm có thể không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu để kéo dài có thể dẫn đến:

  • Khó nhai
  • Khó nói
  • Khó biểu cảm trên khuôn mặt
  • Gây ra mọc răng vĩnh viễn bị lệch, viêm nha chu

5. Chế độ ăn cho trẻ.

Cần đảm bảo một chế độ ăn đầy đủ đạm, đường, mỡ, trái cây, rau xanh cho trẻ. Cùng với đó là ngủ đủ giấc, khuyến khích trẻ vận động giúp trẻ ăn ngon miệng và tránh tình trạng suy dinh dưỡng.

  • Uống đủ lượng sữa theo lứa tuổi, khi trẻ ăn dặm, có thể ăn thêm sữa chua, phô mai.
  • Bổ sung vitamin D 400 UI/ ngày với trẻ dưới 1 tuổi bú mẹ hoàn toàn hoặc trẻ bú sữa công thức dưới 600 ml/ ngày.
  • Cung cấp đầy đủ chất đạm, đặc biệt đạm động vật cho trẻ.
  • Cho dầu ăn, hoặc mỡ vào khẩu phần ăn dặm của trẻ.
  • Ăn nhiều trái cây, rau xanh.