News

VÀNG DA Ở TRẺ SƠ SINH

· Dr.Duong Huyen

Giới thiệu

dr.duonghuyen

Vàng da sơ sinh thì thường gặp, vàng da trong tuần đầu gặp ở khoảng 60% trẻ sinh đủ tháng và cao hơn khoảng 80 -100% ở trẻ sinh non. Hầu hết, vàng da là nhẹ, tự giới hạn, khỏi không cần điều trị trong 1-2 tuần đầu. Tuy nhiên có những trường hợp vàng da bệnh lý nặng cần điều trị tích cực, vì vậy khi nhận thấy trẻ có vàng da cha mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ.

Phụ lục

  1. Nguyên nhân phổ biến gây ra vàng da sơ sinh.
  2. Triệu chứng.
  3. Điều trị.
  4. Phòng ngừa.

1. Nguyên nhân phổ biến gây ra vàng da sơ sinh.

  • Tăng bilirubin máu là nguyên nhân chính gây vàng da. Bilirubin được giải phóng từ sự phân hủy của các tế bào hồng cầu. Trẻ sơ sinh sản xuất nhiều bilirubin hơn người lớn do hồng cầu sản xuất nhiều hơn và phân hủy hồng cầu nhanh hơn trong vài ngày đầu đời. Gan lọc bilirubin từ máu và giải phóng nó vào đường ruột. Gan chưa trưởng thành của trẻ sơ sinh thường không thể loại bỏ bilirubin đủ nhanh, gây ra tình trạng dư thừa bilirubin. Vàng da do những tình trạng bình thường ở trẻ sơ sinh này được gọi là vàng da sinh lý và thường xuất hiện vào ngày thứ hai hoặc thứ ba sau khi sinh.
  • Các nguyên nhân tiềm ẩn khác cũng gây nên vàng da ở trẻ sơ sinh, vàng da trong tình trạng bệnh lý này thường xuất hiện sớm hơn, hoặc muộn hơn so với vàng da sinh lý: xuất huyết, nhiễm trùng, bất đồng nhóm máu mẹ con, bệnh lý về gan, tắc mật, bất thường về hồng cầu của trẻ.

2. Triệu chứng.

Vàng da và lòng trắng mắt là dấu hiệu chính của vàng da ở trẻ sơ sinh - thường xuất hiện từ ngày thứ hai đến ngày thứ tư sau khi sinh.

Cần kiểm tra trẻ trong điều kiện ánh sáng tốt, tốt nhất là dưới ánh sáng tự nhiên ban ngày.

Hãy ấn nhẹ lên trán hoặc mũi của bé. Nếu da ở nơi ấn vào có màu vàng thì có khả năng trẻ bị vàng da nhẹ. Nếu trẻ không bị vàng da, màu da sẽ trông hơi nhạt hơn màu bình thường trong giây lát.

Có thể theo dõi ở một số trẻ bằng cách ấn vào các điểm nổi của xương ở ngực, hông và đầu gối để kiểm tra xem tình trạng vàng da có trầm trọng hơn không. Điều trị vàng da nặng chậm trễ có thể dẫn đến các tổn thương thần kinh không hồi phục.

dr.duonghuyen
Hình A: Trẻ vàng da toàn thân. Hình B: Trẻ có vàng da. Hình C: Trẻ không có vàng da.

Vàng da sinh lý: vàng da nhẹ, thoáng qua, tự khỏi mà không cần điều trị khi có đủ các điều kiện sau:

  • Thời điểm xuất hiện sau 24 giờ đầu sau sinh.
  • Vàng da đơn thuần, không kèm theo các triệu chứng khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lì bì, co gồng,…
  • Vàng da chỉ ở mặt, cổ, ngực và vùng bụng trên rốn.
  • Nồng độ Bilirubin trong máu không quá 12mg% nếu bú sữa công thức và không quá 15mg% nếu bú sữa mẹ.
  • Tự khỏi sau 01 tuần đối với trẻ đủ tháng và 02 tuần đối với trẻ non tháng.

Dấu hiệu của vàng da nặng: Cha mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay nếu:

  • Vàng da xuất hiện từ đầu gối trở xuống, vàng sậm hơn hoặc mắt vàng.
  • Vàng da trước 24 giờ tuổi.
  • Trẻ có sốt.
  • Trẻ bú kém.
  • Trẻ ngủ nhiều hơn bình thường, khó đánh thức.
  • Trẻ quấy khóc nhiều, khó dỗ dành.
  • Trẻ ưỡn cổ hoặc cơ thể về phía sau (co gồng).

3. Điều trị.

  • Cần tiếp tục cho trẻ bú đủ sữa giúp thải bilirubin qua phân và nước tiểu.
  • Chiếu đèn: cởi bỏ hết quần áo trẻ, che mắt, đặt trong nôi chiếu đèn ánh sáng xanh. Điều này giúp chuyển bilirubin thành dạng cơ thể dễ dàng đào thải qua nước tiểu.
  • Thay máu khi các phương pháp khác không hiệu quả hoặc có dấu hiệu, nguy cơ tổn thương não: máu của trẻ có nồng độ bilirubin cao sẽ được thay bằng máu của người hiến tương thích với nồng độ bilirubin bình thường.

4. Phòng ngừa.

  • Phòng ngừa tốt nhất là cho trẻ bú đủ, trẻ sơ sinh bú mẹ cần bú 8-12 lần mỗi ngày, trẻ bú sữa công thức cần bú 30-60ml mỗi cữ bú, mỗi 2-3 giờ, trong tuần đầu tiên.
  • Sàng lọc phát hiện sớm vàng da trước khi trẻ xuất viện về nhà.
  • Cần theo dõi cho trẻ khi về nhà phát hiện xem có vàng da tăng lên không, giúp điều trị kịp thời và tích cực.