PHÂN CỦA TRẺ NHƯ NÀO LÀ BÌNH THƯỜNG?
Giới thiệu
Phân của trẻ có nhiều màu sắc khác nhau và có thể thay đổi tùy theo chế độ ăn của trẻ. Phân đầu tiên của trẻ sơ sinh, được gọi là phân su, có màu xanh đen và giống hắc ín. Phân của trẻ bú sữa mẹ có màu vàng, mềm và có hạt; trong khi phân của trẻ bú sữa công thức đặc hơn và có màu nâu. Phân thức ăn rắn có nhiều chất hơn và có mùi mạnh hơn. Vậy đâu là tình trạng phân bình thường của trẻ, đâu là phân bất thường cần thăm khám bác sĩ. Cha mẹ hãy cùng tìm hiểu nhé.
Phụ lục
- Phân su ở trẻ sơ sinh.
- Phân của trẻ bú sữa mẹ.
- Phân của trẻ bú sữa công thức.
- Phân của trẻ ăn dặm.
- Phân của trẻ uống sắt.
- Phân bất thường gợi ý tình trạng bệnh lý.
1. Phân su ở trẻ sơ sinh.
Trẻ sẽ đại tiện lần đầu tiên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, phân su có tính chất dính màu xanh đen, giống như hắc ín, trông giống như dầu động cơ. Vì phân su được tạo thành từ chất nhầy, nước ối, tế bào chết và những thứ khác mà bé ăn vào trong tử cung nên nó không có mùi - vì vậy cha mẹ có thể không nhận ra trẻ đại tiện cho đến lúc phải thay tã.
Khi trẻ được 2 đến 4 ngày tuổi, phân sẽ có màu nhạt hơn – từ màu xanh đen sang màu xanh vàng rồi màu nâu vàng và ít dính hơn. Phân chuyển tiếp này là dấu hiệu cho thấy trẻ đã bắt đầu tiêu hóa sữa mẹ hoặc sữa công thức giai đoạn đầu và đường ruột của trẻ đang hoạt động bình thường.
Nếu trẻ không đại tiện trong 24 giờ đầu tiên, bác sĩ sẽ cần phải xác định xem có bất thường nào không, ví dụ như tắc ruột.
2. Phân của trẻ bú sữa mẹ.
Phân của trẻ bú sữa mẹ bình thường có màu vàng, nâu hoặc hơi xanh và có dạng nhão hoặc sệt, có thể lấm tấm những đốm nhỏ giống như hạt. Có nhiều sắc thái bình thường khi nói đến phân của trẻ bú sữa mẹ. Thường thấy có mùi ngọt nhẹ.
Nếu phân của trẻ có màu xanh tươi và sủi bọt trông gần giống như tảo thì có thể do bú quá nhiều sữa đầu - loại sữa có hàm lượng calo thấp được đưa ra đầu tiên trong cữ bú - và không đủ sữa cuối, loại sữa giàu chất béo. Có thể do mẹ không cho con bú đủ lâu ở mỗi bên vú. Để khắc phục điều này, hãy bắt đầu mỗi lần cho con bú mới trên bên vú đã kết thúc lần trước.
Trẻ nhỏ có xu hướng đại tiện nhiều hơn trẻ lớn. Ở một số trẻ sơ sinh có thể thải ra năm chiếc tã bẩn trở lên mỗi ngày trong vài tuần đầu đời. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường đi nhiều lần phân nhỏ liên tiếp vì vậy hãy cho trẻ thời gian để đại tiện hết trước khi thay tã.
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ thường đại tiện sau mỗi lần bú (khoảng 6 đến 10 lần một ngày), nhưng sau 3 đến 6 tuần tuổi, trẻ thường đi chậm lại và ít thường xuyên hơn. Một số trẻ bú sữa mẹ có thể chỉ đại tiện một lần mỗi tuần. Đó là vì sữa mẹ đi qua hệ tiêu hóa của bé mà không để lại nhiều chất thải rắn.
3. Phân của trẻ bú sữa công thức.
Trẻ bú sữa công thức có phân đặc, nhão, giống bơ đậu phộng và có màu nâu. Màu sắc của nó dao động từ nâu đến nâu vàng hoặc thậm chí nâu xanh.
Phân trẻ đặc hơn do sữa công thức khó tiêu hóa hơn sữa mẹ một chút, vì vậy một số thành phần của sữa công thức sẽ đi thẳng qua hệ thống tiêu hóa của bé. Phân của trẻ bú sữa công thức cũng hăng hơn phân của trẻ bú sữa mẹ, tuy nhiên ít hăng hơn phân của trẻ ăn dặm, nhưng cha mẹ sẽ ngửi thấy mùi.
Khi trẻ được một hoặc hai tháng tuổi, trẻ bú sữa công thức cũng có thể đi nhiều lần trong ngày cho đến vài ngày đi một lần. Phân của trẻ thường to hơn và nặng mùi hơn so với phân của trẻ bú mẹ.
Kết cấu phân thì quan trọng hơn tần suất. Cha mẹ không cần phải lo lắng nếu trẻ đại tiện không thường xuyên nhưng phân trẻ vẫn mềm và không có thay đổi gì bất thường kèm theo.
4. Phân của trẻ ăn dặm.
Khi trẻ ăn dặm vào khoảng 6 tháng tuổi, cha mẹ sẽ gần như ngay lập tức nhận thấy sự thay đổi trong phân của trẻ, đặc biệt nếu trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn.
Phân của trẻ ăn dặm có xu hướng màu nâu hoặc nâu sẫm, đặc hơn nhưng vẫn nhão và có mùi nặng hơn.
Đôi khi, phân của bé có thể có màu sắc khác thường, như đỏ, cam hoặc thậm chí là xanh đậm. Màu xanh đậm có thể do trẻ ăn quả việt quất. Màu đỏ có thể là do ăn thanh long đỏ, trong khi màu cam có thể là do ăn cà rốt.
Khi trẻ ăn một số loại thức ăn nhất định, có thể bạn sẽ nhận thấy ngay trong phân của trẻ. Đừng lo lắng! Vì một số loại thực phẩm chỉ được tiêu hóa một phần hoặc di chuyển qua ruột quá nhanh nên chúng không có thời gian để phân hủy hoàn toàn. Điều này cũng xảy ra khi trẻ ăn nhiều một loại thức ăn.
5. Phân của trẻ uống sắt.
Phân của trẻ bú sữa công thức có màu xanh lá cây là dấu hiệu của chất sắt trong sữa bột do hấp thụ không tốt bằng chất sắt trong sữa mẹ.
Nếu trẻ được bổ sung sắt uống, phân của bé có thể chuyển sang màu xanh đậm hoặc gần như đen, điều này là bình thường.
6. Phân bất thường gợi ý tình trạng bệnh lý.
Phân lỏng nước
-
Phân nhiều nước và chứa nhiều nước hơn thức ăn đặc. Nó có thể có màu vàng, xanh lá cây hoặc nâu và thường có thể thấm hoặc “nổ” ra khỏi tã của trẻ.
-
Trẻ có thể bị tiêu chảy do nhiễm trùng, không dung nạp thức ăn hoặc dị ứng hoặc do loại thuốc mà bé đang dùng. Quá nhiều nước ép trái cây cũng có thể gây tiêu chảy.
-
Tiêu chảy không được điều trị có thể dẫn đến mất nước và nhiều tình trạng nghiêm trọng khác. Tiêu chảy cũng có thể gây kích ứng làn da non nớt của trẻ và dẫn đến hăm tã.
Phân cứng
-
Nếu phân của trẻ rất khô, cứng hoặc trông giống như phân dê thì trẻ có thể đang bị táo bón. Em bé của bạn có thể trông khó chịu rõ rệt khi đi ị và phân có thể dính máu do rách hậu môn khi đi ra ngoài.
-
Táo bón thường xảy ra ở những em bé đang được làm quen với thức ăn đặc, đó có thể là dấu hiệu cho thấy em bé của bạn không nhận đủ chất xơ trong chế độ ăn.
Phân có lẫn máu
- Lẫn máu trong phân có thể gợi ý tình trạng dị ứng đạm sữa bò, nhiễm trùng tiêu hoá, nếu phân cứng đôi khi đó là do nứt kẽ hậu môn. Cần loại trừ do các thực phẩm có màu đỏ gây nên.
Phân đen
- Nếu trẻ đang không uống sắt mà có phân đen, nhão, có thể do tình trạng xuất huyết tiêu hoá gây nên. Cần thăm khám bác sĩ ngay.
Phân bạc màu
- Phân trẻ có màu xám hoặc trắng, điều này do thiếu sắc tố mật, gây nên bởi tình trạng tắc mật. Trẻ có thể kèm theo vàng da, vàng mắt, cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ ngay.