News

ACID FOLIC TRONG THAI KỲ

· Dr.Duong Huyen

Giới thiệu

dr.duonghuyen

Axit folic là một chất dinh dưỡng quan trọng trong thai kỳ. Nó giúp ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh và góp phần vào sự phát triển lành mạnh của nhau thai và thai nhi, và ngăn ngừa một loại thiếu máu. Đa số phụ nữ cần 600 mcg axit folic trong khi mang thai (có thể cao hơn trong một số trường hợp). Thực tế bạn nên bổ sung axit folic nếu đang trong độ tuổi sinh đẻ.

Phụ lục

  1. Acid folic là gì?
  2. Tại sao phải bổ sung acid folic trong thai kỳ?
  3. Cần uống bao nhiêu acid folic?
  4. Acid folic có gây tác dụng phụ?
  5. Các thực phẩm giàu acid folic.
  6. Dấu hiệu của thiếu acid folic.

Acid folic là gì?

Axit folic là một dạng vitamin B9, còn gọi là folate. Khi chất dinh dưỡng đến trực tiếp từ nguồn thực phẩm nó được gọi là folate, còn khi được sản xuất để sử dụng như 1 chất bổ sung thì được gọi là axit folic. Axit folic giúp ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh, cần thiết cho quá trình sản xuất, sửa chữa và hoạt động của ADN, rất quan trọng đối với sự phát triển tế bào nhanh chóng của nhau thai và thai nhi. Cơ thể của bạn cũng cần axit folic để tạo ra các tế bào hồng cầu bình thường và ngăn ngừa một loại bệnh thiếu máu (thiếu máu do thiếu folate).

Tại sao phải bổ sung acid folic trong thai kỳ?

Nếu bạn đang mang thai hoặc có thể mang thai, điều cực kỳ quan trọng là phải bổ sung đủ axit folic vì nó giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh, như tật nứt đốt sống, bệnh vô sọ (thiếu não). Tủy sống và não của bé phát triển từ ống thần kinh. Dị tật ống thần kinh phát triển trong những tuần đầu tiên của thai kỳ - trước khi nhiều phụ nữ biết mình đang mang thai. Vì vậy điều quan trọng là bắt đầu bổ sung axit folic trước khi bạn bắt đầu mang thai.

Những phụ nữ dùng liều axit folic được khuyến nghị hàng ngày bắt đầu ít nhất một tháng trước khi mang thai và trong ba tháng đầu thai kỳ có thể giảm tới 70% nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, bổ sung đủ axit folic cũng làm giảm nguy cơ:

  • Sứt môi hở hàm ếch
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Tiểu đường thai kỳ
  • Sinh non

Cần uống bao nhiêu acid folic?

Bạn cần 600mcg axit folic mỗi ngày khi mang thai. Và khó để đáp ứng đủ từ thực phẩm, do đó cần uống bổ sung. Ngoài việc ăn thực phẩm giàu folate, các chuyên gia khuyến cáo tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung 400 mcg axit folic mỗi ngày. Bắt đầu bổ sung ít nhất 1 tháng trước khi bạn mang thai và tiếp tục trong suốt thai kỳ (là lý tưởng). Nhưng vì gần 1 nửa số trường hợp mang thai ở Hoa Kỳ là không có kế hoạch nên tất cả phụ nữ có thể mang thai nên bổ sung axit folic.

Không dùng quá 1000 mcg axit folic một ngày trừ khi bác sĩ của bạn khuyên dùng.

Một số phụ nữ cần uống nhiều hơn liều khuyến nghị:

  • Đã mang thai một bé bị khuyết tật ống thần kinh trước đây, bạn hoặc bạn đời bị khuyết tật ống thần kinh, hoặc có con bị khuyết tật ống thần kinh. Bạn có thể được khuyên dùng 4000 mcg axit folic mỗi ngày trong ít nhất 3 tháng trước mang thai và 3 tháng đầu thai kỳ. Sau đó có thể giảm xuống 400 mcg từ tháng thứ 4.
  • Mang song thai. Bác sĩ có thể khuyên dùng tới 1000 mcg axit folic mỗi ngày nếu bạn mang đa thai.
  • Đang bị tiểu đường hoặc đang dùng 1 số loại thuốc chống động kinh. Những điều này làm tăng nguy cơ sinh con bị tật ống thần kinh, vì vậy hãy gặp bác sĩ ít nhất trước 1 tháng trước khi cố gắng mang thai để biết bạn nên dùng bao nhiêu axit folic và theo dõi tình trạng của bạn nói chung.
  • Bị bệnh Celiac, bệnh viêm ruột (IBD) hoặc rối loạn tiêu hóa. Những điều này có thể làm cho việc hấp thu folate trở nên khó khăn hơn.

Acid folic có gây tác dụng phụ?

Hầu hết không có tác dụng phụ nào khi bổ sung liều dưới 1000 mcg mỗi ngày, tiêu thụ nhiều folate trong chế độ ăn cũng không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, dùng axit folic liều cao trong thời gian dài có thể gây ra triệu chứng:

  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Đầy hơi
  • Vấn đề về giấc ngủ
  • Cáu gắt
  • Lú lẫn

Một số ít trường hợp có thể gây phản ứng dị ứng.

Các thực phẩm giàu acid folic

Các thực phẩm giàu folate tự nhiên cũng không phải là nguồn tuyệt vời. Thật kỳ lạ, nghiên cứu cho thấy cơ thể hấp thụ axit folic từ viên uống bổ sung tốt hơn nhiều so với folate tự nhiên trong thực phẩm. Folate có thể bị mất khỏi thực phẩm trong quá trình bảo quản và chế biến.

Các nguồn thực phẩm giàu folate: đậu lăng, đậu khô, đậu hà lan, các loại hạt, quả bơ, các loại rau có lá màu xanh đậm: bông cải xanh, rau chân vịt, đậu bắp, măng tây; trái cây họ cam quýt, nước ép cà chua, chuối, bột ngô, lạc, trứng, sữa.

Dấu hiệu của thiếu acid folic.

Các dấu hiệu thiếu axit folic có thể khó nhận thấy. Nếu bạn chỉ thiếu nhẹ, có thể bạn không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào, nhưng bạn sẽ không nhận lượng axit folic tối ưu cho sự phát triển của thai nhi. Nếu bạn chú ý, dấu hiệu có thể thấy:

  • Cáu gắt
  • Thiếu máu
  • Mệt mỏi
  • Loét lưỡi
  • Tiêu chảy
  • Giảm cân
  • Đau đầu
  • Tim đập nhanh
  • Khó thở