News

SẮT TRONG THAI KỲ

· Dr.Duong Huyen

Giới thiệu

dr.duonghuyen

Sắt trong khi mang thai rất cần thiết cho việc tạo huyết sắc tố (hemoglobin), là một protein trong hồng cầu để mang oxy đến các tế bào khác. Trong khi mang thai, lượng máu của bạn nhiều hơn gần 50% so với bình thường, vì vậy sắt thậm chí còn quan trọng hơn. Phụ nữ có thai cần 27mg sắt mỗi ngày. Sắt thấp trong thai kỳ có thể dẫn đến thiếu máu, vì vậy hãy cố gắng hết sức để có đủ sắt qua thực phẩm hoặc chất bổ sung.

Phụ lục

  1. Tại sao sắt cần trong thai kỳ?
  2. Phụ nữ mang thai cần bao nhiêu sắt?
  3. Thực phẩm giàu sắt.
  4. Cách bổ sung sắt.
  5. Có cần uống chất bổ sung sắt?
  6. Thiếu sắt khi mang thai.
  7. Bao nhiêu sắt là quá nhiều?

Tại sao sắt cần trong thai kỳ?

Thậm chí trước khi bạn mang thai, cơ thể cần sắt vì nhiều lý do:

  • Cần thiết cho sự tạo huyết sắc tố, một protein trong hồng cầu mang oxy đến các tế bào khác trong cơ thể.
  • Quan trọng trong hình thành myoglobin (một protein giúp mang oxy đến cơ), collagen (một protein trong xương, sụn, và các mô liên kết khác), và nhiều enzyme.
  • Giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Nhưng trong thai kỳ bạn cần nhiều hơn, bởi vì:

  • Lượng máu tăng lên trong thai kỳ hơn 50% so với bình thường. Bạn cần nhiều sắt hơn để tạo nhiều huyết sắc tố hơn.
  • Cần nhiều sắt hơn cho sự phát triển của em bé và bánh nhau, đặc biệt trong quý II, quý III thai kỳ.
  • Nhiều phụ nữ cần nhiều hơn bởi họ bắt đầu mang thai với lượng dự trữ sắt không đủ.
  • Lượng sắt thấp trong thai kỳ có thể dẫn đến thiếu máu và thiếu máu nặng trong thai kỳ đi kèm với sinh non, nhẹ cân và tử vong ở trẻ sơ sinh.

Phụ nữ mang thai cần bao nhiêu sắt?

  • Phụ nữ mang thai (mọi lứa tuổi) cần: 27mg sắt /ngày
  • Phụ nữ không mang thai từ 14-18 tuổi: 15mg /ngày
  • Phụ nữ không mang thai từ 15-50 tuổi: 18mg /ngày

Chú ý: Phụ nữ cho con bú cần 9-10 mg sắt /ngày, vì được cho rằng phụ nữ cho con bú chưa có kinh nên cần ít hơn.

Thực phẩm giàu sắt.

Để đảm bảo rằng bạn nhận đủ sắt, hãy ăn nhiều thực phẩm giàu sắt mỗi ngày.

Có 2 dạng sắt: heme và non-heme. Sắt heme chỉ được tìm thấy trong nguồn động vật và cơ thể hấp thu dễ dàng hơn. Sắt non-heme được tìm thấy trong thực vật, thực phẩm bổ sung sắt và các chất bổ sung.

Thịt đỏ, thịt gà, và hải sản chứa cả sắt heme và non-heme và là một trong những nguồn cung cấp sắt tốt nhất. Nhưng nếu bạn là người ăn thuần chay hoặc ăn chay và không ăn thịt động vật, bạn có thể cung cấp sắt từ các loại đậu, rau và ngũ cốc. Tuy nhiên sắt trong thực vật khó hấp thu hơn.

Chú ý: Gan chứa hàm lượng sắt rất lớn, nhưng có cũng chứa một lượng lớn vitamin A không an toàn, vì vậy tốt nhất bạn nên hạn chế ăn nhiều gan khi mang thai.

Cách bổ sung sắt.

  • Nấu trong chảo gang: các thực phẩm ẩm, có tính axit như sốt cà chua, đặc biệt tốt trong việc hấp thu sắt theo cách này.
  • Nên bao gồm 1 nguồn vitamin C trong mỗi bữa ăn (nước cam, bông cải xanh, dâu tây..), đặc biệt khi ăn nguồn sắt từ thực phẩm chay như đậu. Vitamin C giúp bạn hấp thu sắt gấp 6 lần từ thực phẩm.
  • Chú ý những chất ‘ức chế sắt’, là những chất lành mạnh có trong các loại thực phẩm có thể cản trở sự hấp thu sắt. Ví dụ chất ức chế sắt bao gồm:
    • Phytate có trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu;
    • Polyphenol có trong cà phê và trà;
    • Oxalate có trong đậu nành, rau bina;
    • Canxi trong các sản phẩm từ sữa.

Có cần uống chất bổ sung sắt?

Có thể cần. Nhiều phụ nữ bắt đầu thai kỳ mà không đủ sắt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cơ thể và không thể tăng lượng sắt qua chế độ ăn thông thường. Nhưng bạn không cần uống chất bổ sung trừ khi bác sĩ khuyên dùng. Sắt trong vitamin trước mang thai có thể là tất cả những gì bạn cần trừ khi bạn có hoặc phát triển bệnh thiếu máu.

Nếu bác sĩ khuyên dùng chất bổ sung sắt:

  • Uống 1 giờ trước ăn hoặc 2 giờ sau ăn bởi vì sắt được dễ hấp thu nhất khi dạ dày trống. Bạn có thể uống cùng nước cam để tăng cường hấp thu sắt. Tránh uống sắt cùng với sữa, cà phê hoặc trà bởi chúng cản trở hấp thu sắt.
  • Uống bổ sung sắt và canxi cách xa nhau, khoảng 2 gi
  • Có thể gây một vài khó chịu: buồn nôn, táo bón, tiêu chảy (hiếm gặp hơn).
  • Phân bạn sẽ sẫm màu hơn là điều bình thường.

Nói với bác sĩ nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng phụ gì khi uống sắt. Bạn có thể ngăn ngừa vấn đề dạ dày bằng cách bắt đầu với lượng sắt ít hơn và tăng dần đến liều bạn cần. Bạn cũng có thể sử dụng sắt với liều nhỏ hơn trong ngày. Bác sĩ có thể đề nghị bạn thử các dạng sắt khác nhau để tìm ra loại phù hợp với bạn.

Thiếu sắt khi mang thai.

Khi bạn không đủ sắt, kho dự trữ sắt sẽ cạn kiệt dần theo thời gian. Và nếu bạn không còn đủ chất sắt để tạo ra huyết sắc tố bạn cần, bạn sẽ bị thiếu máu.

Thiếu máu thiếu sắt có thể làm cạn kiệt năng lượng của bạn, gây ra nhiều triệu chứng khác đặc biệt khi thiếu máu nặng. Làm bạn dễ nhiễm trùng hơn.

Ảnh hưởng đến thai kỳ: Thiếu máu thiếu sắt đặc biệt ở giai đoạn đầu, giữa thai kỳ có liên quan đến nguy cơ sinh non cao hơn, sinh con nhẹ cân, và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Nếu bạn bị thiếu máu, khi sinh có thể bạn cần phải truyền máu và các vấn đề khác nếu bạn mất nhiều máu khi sinh.

Bao nhiêu sắt là quá nhiều?

Mục tiêu là không quá 45 mg sắt mỗi ngày.

Nếu bạn uống nhiều hơn, nồng độ sắt trong máu tăng cao có thể ảnh hưởng đến bạn và em bé. Một số nghiên cứu phát hiện rằng quá nhiều sắt có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật. Để tránh biến chứng, chỉ bổ sung sắt khi mang thai dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.