CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI MANG THAI
Giới thiệu
Chuẩn bị trước khi mang thai là một bước quan trọng khi bạn quyết định mang thai. Đây là thời gian để bạn thực hiện những thay đổi trong cuộc sống giúp tăng khả năng thụ thai, có một thai kỳ khỏe mạnh và một em bé khỏe mạnh.
Phụ lục
- Thăm khám tiền sản.
- Gặp gỡ bác sỹ di truyền.
- Sử dụng vitamin trước sinh.
- Từ bỏ thói quen xấu.
- Ăn uống lành mạnh.
- Cân nặng khỏe mạnh.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Sức khỏe tâm lý.
- Khám nha khoa.
- Chuẩn bị tài chính
Thăm khám tiền sản.
Khi đến thăm khám, bác sĩ sẽ giúp bạn xác định những điều có thể ảnh hưởng đến thai kỳ và đưa ra các xét nghiệm, các phương pháp can thiệp:
- Tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình (tìm hiểu xem con bạn có nguy cơ cao mắc một số bệnh di truyền hay không).
- Đánh giá sức khỏe hiện tại của bạn và các loại thuốc, chất bổ sung bạn đang dùng.
- Một số thuốc và chất bổ sung không an toàn trong thời kỳ mang thai, một vài loại phải chuyển đổi trước khi thụ thai.
- Thảo luận về chế độ ăn uống, cân nặng, tập thể dục và bất kỳ thói quen không lành mạnh nào (uống rượu, hút thuốc..).
- Đề xuất bổ sung vitamin, chất bổ sung trước và trong khi mang thai.
- Đánh giá miễn dịch với 1 vài bệnh và tư vấn tiêm chủng.
- Kiểm tra vùng chậu và phết tế bào cổ tử cung.
- Kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Hỏi về những lần mang thai trước đây (nếu có).
- Nếu bạn mắc bệnh (hen, đái tháo đường, cao huyết áp..), sẽ được chuyển đến thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa, đảm bảo bệnh được kiểm soát trước khi mang thai.
- Và trả lời bất kỳ các câu hỏi nào mà bạn có.
Gặp gỡ bác sỹ di truyền.
Nếu bạn lo lắng về khả năng sinh con bị rối loạn di truyền hoặc dị tật bẩm sinh, bạn có thể muốn gặp bác sĩ di truyền để tư vấn trước khi mang thai. Bác sĩ có thể giúp bạn xem có nguyên nhân gây lo ngại nào không và xét nghiệm sàng lọc nào hữu ích cho bạn vào thời điểm hiện tại và trong tương lai. Đặc biệt các cặp đôi cần phải thăm khám di truyền:
- Có tiền căn sinh con bất thường với bệnh lý di truyền, sảy thai liên tiếp, hoặc cần hỗ trợ sinh sản để có thai.
- Có bệnh lý di truyền đã xác định trên cá nhân hoặc di truyền trong gia đình.
Sử dụng vitamin trước sinh.
Bổ sung vitamin trước khi sinh để đảm bảo bạn nhận đủ dưỡng chất quan trọng mà cơ thể cần cho một thai kỳ và em bé khỏe mạnh, bao gồm sắt, canxi, omega-3 và quan trọng nhất acid folic.
Từ bỏ thói quen xấu.
- Ngưng hút thuốc lá. Hút thuốc có thể dẫn đến sảy thai, sinh non, con nhẹ cân, và các biến chứng khác. Hút thuốc cũng làm tăng khả năng mắc chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Nghiên cứu chỉ ra rằng, hút thuốc làm giảm khả năng mang thai của nữ và giảm số lượng tinh trùng của nam, kể cả khi hút thuốc lá thụ động.
- Ngưng sử dụng chất cồn (bia, rượu) hoàn toàn khi bạn chuẩn bị mang thai và đang mang thai. Cồn có thể đi qua hàng rào rau thai, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, và gây ra các vấn đề nhận thức và hành vi suốt đời.
Ăn uống lành mạnh.
Bắt đầu lựa chọn thực phẩm thông minh ngay từ bây giờ để cơ thể bạn dự trữ các chất dinh dưỡng cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh. Mỗi ngày, cố gắng ăn:
- 2 bát trái cây, 2.5 bát rau.
- Nhiều ngũ cốc nguyên hạt.
- Các thực phẩm giàu canxi: sữa, sữa chua.
- Nhiều nguồn protein: hạt, hạnh nhân, đậu, sản phẩm từ đậu nành, thịt, thịt gia cầm.
- Thực phẩm giàu sắt: đậu, đậu lăng, thịt bò, gan, tôm. Ăn cùng các thực phẩm sau làm tăng hấp thu sắt: cam, bưởi, dâu tây, tiêu xanh, bông cải.
Nếu bạn yêu thích cá, chú ý lượng nạp vào. Cá là nguồn cung cấp giàu omega-3 (rất quan trọng cho sự phát triển của não và mắt), protein, vitamin D, và các chất dinh dưỡng khác, bên cạnh đó một vài loài cá chứa một lượng lớn thủy ngân có thể gây hại.
Cân nặng khỏe mạnh.
Đạt được và duy trì một cân nặng khỏe mạnh là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để chuẩn bị mang thai. Dư cân hoặc nhẹ cân có thể là bạn khó có thai, và nó cũng ảnh hưởng đến thai kỳ.
Dư cân trong quá trình mang thai đi kèm với cao huyết áp, tiền sản giật, sinh non và tiểu đường thai kỳ. Béo phì làm tăng nguy cơ thai to, chấn thương khi sinh, sinh mổ và dị tật bẩm sinh (đặc biệt dị tật ống thần kinh).
Phụ nữ nhẹ cân khi mang thai và tăng cân không đủ trong thai kỳ tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân và sinh non. Thời điểm tốt nhất để có cân nặng khỏe mạnh là trước khi mang thai hơn là trong thai kỳ.
Tập thể dục thường xuyên.
Một chương trình tập thể dục là một phần quan trọng để giữ cho tâm trí và cơ thể bạn khỏe mạnh. Học viện Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến nghị 150 phút tập các hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần cùng với các hoạt động tăng cường cơ bắp vào 2 ngày trở lên mỗi tuần.
Bạn có thể đi bộ, đạp xe vào hầu hết các ngày trong tuần và tập tạ vào 1 vài ngày, hoặc có thể tập bài tập dãn cơ, yoga. Khi bạn mang thai hãy tiếp tục tập luyện trừ khi bạn có 1 số biến chứng khi mang thai.
Nếu bạn không tập thể dục gần đây, có thể bắt đầu bằng việc đi bộ 10-20 phút mỗi ngày.
Sức khỏe tâm lý
-
Stress: Mặc dù chúng ta không biết mối liên hệ chính xác giữa stress và khả năng sinh sản, nhưng chúng ta biết rằng stress cao ảnh hưởng đến chứng năng nội tiết tố và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Stress thì không tốt cho sức khỏe, vì vậy hãy làm những gì có thể để giảm bớt sự căng thẳng.
Loại bỏ các tác nhân căng thẳng không cần thiết càng nhiều càng tốt.
Khám phá các phương pháp giải tỏa căng thẳng: tập yoga, thiền, matxa, hít thở sâu, ngủ đủ giấc, dành thời gian cho những người thân yêu, thời gian yên tĩnh và tập thể dục.
-
Trầm cảm: Tất cả phụ nữ, đặc biệt là những người có tiền sử bị trầm cảm, gia đình có người bị trầm cảm nên kiểm tra sức khỏe tâm lý trước khi mang thai.
Khám nha khoa.
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể khiến bạn dễ bị mắc bệnh nướu răng hơn. Nồng độ estrogen và progesterone tăng cao khiến phản ứng với các vi khuẩn trong mảng bám dẫn đến viêm nướu. Gần 60% - 75% phụ nữ mang thai bị viêm nướu. Phụ nữ chăm sóc sức khỏe răng miệng trước khi mang thai sẽ giảm nguy cơ gặp các vấn đề về nướu trong thai kỳ. Vì vậy hãy đến thăm khám nha khoa ngay nếu bạn chưa làm trong 6 tháng qua.
Chuẩn bị tài chính.
Để giảm thiểu stress khi mang thai và trong tương lai, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng cho chi phí mang thai, sinh nở và chăm sóc ngay từ đầu.